• Twitter
  • Facebook
  • Google+
  • Instagram
  • Youtube

Monday, September 21, 2015

Tự học, tự giáo dục như thế nào?

Hình thành, phát triển và rèn luyện hệ thống kỹ năng tự học (KNTH) cho học sinh (HS) đòi hỏi một quá trình lâu dài, kiên trì, thường xuyên. Trong đó, giáo viên (GV) phải là người tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra HS tự học; HS phải chủ động, tích cực, tự giác và kiên trì luyện tập. 

Chỉ khi nào TH trở thành thói quen và niềm đam mê của HS thì việc TH mới đem lại hiệu quả thực sự. Ðể hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo Nhân Dân cuối tuần đã phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Thế Bình (ÐH Sư phạm Hà Nội), đang làm chủ nhiệm một đề tài cấp Bộ về vấn đề tự học của HS phổ thông.


- Nhắc đến "tự học", nhiều người nghĩ đây chỉ là ý thức tự giác tìm hiểu qua sách báo, thầy cô để có được thông tin. Với tư cách một nhà nghiên cứu và quan tâm đến vấn đề "tự học", xin TS cho biết rõ hơn thế nào là TH, tự giáo dục?

- Theo tâm lý học, thì các thành phần bên trong thái độ học tập của người học là nền tảng quan trọng nhất cho việc hình thành và phát triển KNTH. Chỉ khi nào người học tự ý thức được khả năng TH, có niềm tin vào bản thân, thì việc TH mới trở thành sở thích, đam mê, tự giác mà không cần có sự thúc giục của yếu tố bên ngoài. Ðối với HS phổ thông, ý thức tự giác trong TH mới hình thành, nên GV phải là người biết nhen nhóm, thắp sáng niềm tin, tạo hứng thú, động cơ TH và hướng dẫn HS biết cách tổ chức TH hiệu quả. TH không chỉ là việc chuẩn bị bài ở nhà, mà cả các hoạt động TH trên lớp. Nhiều giáo viên không dạy HS cách học và không chú ý rèn luyện và phát triển KNTH cho HS. Theo đó, HS rất thiếu và yếu về các KNTH.

- Thực tế cho thấy, hiện tượng "học tủ", "học vẹt", học chỉ để thi cử đang được một bộ phận không nhỏ HS, kể cả GV coi là bình thường. Qua điều tra của nhóm nghiên cứu, vấn đề này ra sao?

- Chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số trường THCS, THPT trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở thu thập thông tin, xử lý số liệu, chúng tôi có một số nhận định như sau: Một số GV thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, nhằm phát huy tính tích cực, chủ động trong nhận thức của HS. Trong đó, chú trọng rèn luyện và phát triển KNTH cho HS. Tiếc rằng, số GV này không nhiều, chủ yếu tập trung ở cấp THPT và dạy ở các lớp chuyên. Một bộ phận GV chỉ truyền đạt kiến thức dưới dạng đọc - chép, không dạy HS cách học, không quan tâm đến việc rèn luyện và phát triển KNTH.

Ða số HS tập trung TH những môn học phục vụ cho việc thi vào đại học như toán, lý, hóa, ngoại ngữ. Các môn khoa học tự nhiên được học sinh TH nhiều hơn so với môn khoa học xã hội. Môn Lịch sử thời gian dành cho tự học của học sinh rất ít. Kết quả điều tra của chúng tôi cho thấy : 52,5% HS thỉnh thoảng mới TH; 25,3% HS chỉ TH khi có kiểm tra; 7% HS không bao giờ TH; chỉ có 15,1% có ý thức TH thường xuyên. Việc TH của HS hiện nay chủ yếu là do yêu cầu của GV (51,3%) và sự quản lý, thúc ép của gia đình, phụ huynh HS (22,7%), còn TH với tinh thần tự giác, thích học chỉ chiếm 25,9%. Về hình thức TH bộ môn Lịch sử của HS, chủ yếu tập trung ở việc học thuộc theo vở ghi trên lớp, còn cách học khác (đối chiếu sách giáo khoa với vở ghi; đọc tài liệu tham khảo; làm bài tập lịch sử ...) rất hạn chế.

- Nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên hẳn nhiên không chỉ từ phía học sinh?

- Ðúng vậy. Nhưng nhiều GV cũng còn chưa nhận thức đúng về bản chất, vai trò của TH. Bên cạnh đó, do đời sống khó khăn, lương ít, nên một bộ phận GV không toàn tâm, toàn ý cho chuyên môn, nản chí, thờ ơ với việc dạy. Các cấp quản lý cũng bị tác động bởi "môn chính", "môn phụ", nên có sự phân biệt rất rõ đối với các môn thi tốt nghiệp, thi đại học và không thi. Một nguyên nhân khác, do cơ sở đào tạo giáo viên ở nước ta hiện nay, các trường đại học sư phạm "mọc lên như nấm sau mưa", nhiều hệ đào tạo đại học cùng tồn tại (chính quy, tại chức, từ xa, vừa làm - vừa học...). Kết quả đào tạo đội ngũ GV ở nhiều trường đại học không đáp ứng được yêu cầu cơ bản.

- Sau kết quả nghiên cứu thực tế, nhóm thực hiện đề tài đã có những giải pháp gì?

- Trước hết cần tạo niềm tin, hứng thú và biết cách tổ chức TH cho HS. Từ đó, phát triển kỹ năng thực hiện việc TH của học sinh. Cùng đó là nhóm giải pháp phát triển KN tự kiểm tra, đánh giá kết quả TH của HS. Ðối với HS, thông qua tự kiểm tra, các em phát hiện những kiến thức nào đã hiểu rõ, kiến thức nào còn mơ hồ, thiếu sót, từ đó chủ động khắc phục. Trải qua một thời gian nhất định, các công việc được lặp đi, lặp lại nhiều lần, với sự hỗ trợ của GV, dần dần KN tự kiểm tra, đánh giá của HS được hình thành và ngày càng bền vững.

Trong hoạt động dạy học ở trường phổ thông, cần nâng cao chất lượng dạy học. Ðối với GV, phải thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, chuyển từ cách dạy kiến thức sang dạy học sinh cách học và tự học. Chú trọng bồi dưỡng HS các KNTH cơ bản, qua đó phát huy tính tích cực, chủ động trong nhận thức của các em. Cần điều chỉnh chương trình, sách giáo khoa Lịch sử triệt để hơn, đổi mới hơn, để đáp ứng nhu cầu dạy và học ở phổ thông hiện nay.

Các trường đại học sư phạm trong cả nước cần đổi mới tích cực phương pháp dạy học, phải đào tạo đội ngũ GV không chỉ có phẩm chất tốt, kiến thức giỏi (chuyên môn sâu và kiến thức liên ngành), có năng lực nghiên cứu khoa học, mà còn có nghiệp vụ sư phạm vững vàng. Ðặc biệt, trong bốn năm ngồi trên ghế trường đại học sư phạm, sinh viên phải được bồi dưỡng nhận thức đúng đắn về vai trò, ý nghĩa của TH, hệ thống các KNTH và các biện pháp rèn luyện KNTH cho HS. Có như vậy, sinh viên sẽ tự nâng cao năng lực tự học của mình, là cơ sở để tự học suốt đời và có khả năng dạy cho học sinh phổ thông cách tự học hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn TS.

KHÚC HỒNG THIỆN(THỰC HIỆN)

Nguồn: Báo Nhân Dân

2 comments:


  1. You need to be a part of a contest for one of the highest quality sites on the web. I'm going to highly recommend this blog! capital one credit card login

    ReplyDelete

  2. Everything is very open with a very clear clarification of the issues. It was really informative. Your website is very helpful. Thank you for sharing! gmail sign in

    ReplyDelete

Ý kiến phản hồi

Hãy cùng nhau xây dựng một nền giáo dục hiệu quả, tất cả vì tương lai của nhân loại


Địa chỉ

Học Viện IDEAS: Tòa Nhà Indochina, 72 Bạch Đằng, Q.Hải Châu, Tp.Đà Nẵng, Việt Nam

Điện thoại:

0968.933.279 (Mr.Duong)

Email:

tugiaoduc.ideas@gmail.com